Trang

Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

Thời gian thi của 10 trường ĐH, CĐ được tuyển sinh riêng

10 trường ĐH,CĐ được Bộ GD-ĐT cho phép tuyển sinh riêng năm 2013 đã công bố phương án xét tuyển và ngày thi. Theo đó, thí sinh dự thi vào những trường này nộp hồ sơ trực tiếp tại trường không qua Sở GD-ĐT.
Cụ thể, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam tổ chức thi từ ngày 1/7 đến 3/7 với hai môn thi kiến thức âm nhạc và chuyên ngành. Chi tiết cụ thể các môn thi sẽ thông báo tại phòng tuyển sinh hoặc qua điện thoại, website của học viện từ ngày 1-4. Môn sơ tuyển thi từ ngày 20-6 hệ ĐH chính quy và ĐH vừa làm vừa học. Phiếu thi chính thức sẽ được phát ngày 29-6 tại ban tuyển sinh của học viện, không gửi qua bưu điện.
Thời gian thi của 10 trường ĐH, CĐ được tuyển sinh riêng (Ảnh minh họa)
Thời gian thi của 10 trường ĐH, CĐ được tuyển sinh riêng (Ảnh minh họa)
Học viện Âm nhạc Huế tổ chức thi tuyển tại học viện từ ngày 12/7 đến 15/7. Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi trực tiếp tại trường hoặc chuyển phát nhanh gửi về phòng đào tạo – Học viện Âm nhạc Huế. Các môn năng khiếu nhân hệ số 2 tùy theo ngành học.
Nhạc viện TPHCM nhận hồ sơ từ ngày 2/4 đến ngày 3/5; thi tuyển từ ngày 17 đến 23/7 với môn thi kiến thức tổng hợp về âm nhạc và môn năng khiếu chuyên ngành (môn chuyên ngành nhân hệ số 2). Nội dung cụ thể môn thi năng khiếu niêm yết tại nhạc viện và đăng trên website của nhạc viện. Học viện yêu cầu, thí sinh phải có một trong các loại bằng tốt nghiệp: THPT, bổ túc THPT, trung học nghề, TCCN mới được dự thi. Hồ sơ dự thi nộp trực tiếp tại nhạc viện hoặc gửi qua đường bưu điện về phòng đào tạo Nhạc viện TP.HCM, không gửi qua các trường hoặc sở GD-ĐT.
Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam tổ chức thi các môn năng khiếu. Đối với các ngành hội họa, đồ họa, sư phạm mỹ thuật, lý luận, lịch sử và phê bình mỹ thuật thi môn hình họa và bố cục. Ngành thiết kế đồ họa thi hình họa và trang trí. Ngành điêu khắc thi tượng tròn và phù điêu. Hồ sơ đăng ký dự thi nộp tại trường, không qua trường THPT và các sở GD-ĐT, trước ngày 30/5.
Trường ĐH Mỹ thuật TPHCM tổ chức thi đối với trình độ ĐH. Với hệ CĐ, trường không tổ chức thi mà xét tuyển điểm thi tuyển sinh ĐH ngành tương đương do Trường ĐH Mỹ thuật tổ chức. Trường tổ chức thi khối H đối với tất cả các ngành hệ ĐH và CĐ.
Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương tổ chức thi hai môn năng khiếu (nhân hệ số 2). Thí sinh được đăng ký dự thi nhiều ngành khác nhau tại trường, mỗi ngành phải nộp một bộ hồ sơ đăng ký dự thi. Thời gian nộp hồ sơ đăng ký dự thi và lệ phí tuyển sinh theo quy định của Bộ GD-ĐT. Thông tin chi tiết về từng ngành xem tại trang web của trường.
Trường CĐ Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai tổ chức thi hai môn năng khiếu gồm: hình họa (vẽ tĩnh vật hoặc tượng, chất liệu chì đen); trang trí (chất liệu màu nước hoặc màu bột). Trường tuyển sinh khối H cho tất cả các ngành. Ngày thi sẽ thông báo cụ thể trên website của trường.
Trường CĐ Múa Việt Nam tổ chức thi tuyển năng khiếu múa và âm nhạc. Trường sơ tuyển từ ngày 20/4 đến 20/6. Riêng ngành huấn luyện múa, biên đạo múa tuyển thí sinh tuổi từ 18 – 30 và đã tốt nghiệp trung cấp múa. Chuyên ngành thi: năng lực cơ bản múa, biên và thực hành bài tập, tiểu phẩm múa.
Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc chỉ tuyển thí sinh các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra. Trường tổ chức thi môn năng khiếu vào ba ngày: 17, 18, và 19/7. Riêng ngành khoa học thư viện trường không tổ chức thi mà xét tuyển theo kết quả thi ba chung.
Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc chỉ tuyển thí sinh có hộ khẩu các tỉnh thuộc khu vực Đông Bắc (Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh). Các ngành khoa học thư viện, bảo tàng học, Việt Nam học (khối C không tổ chức thi mà xét tuyển theo đề thi “ba chung”). Với các ngành nghệ thuật như: sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật, quản lý văn hóa, hội họa, thanh nhạc (khối H, N), trường tổ chức thi tuyển sinh các môn năng khiếu.
(BDT)

Nội dung ôn thi tốt nghiệp THPT 2013 không giới hạn

Bộ GD-ĐT khẳng định không giới hạn nội dung ôn tập. Nội dung đề thi tốt nghiệp THPT nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12.

Vụ Giáo dục trung học – Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi các sở GD-ĐT chỉ đạo việc tổ chức ôn tập cho học sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT.
Còn hai tháng nữa là kỳ thi tốt nghiệp THPT bắt đầu, Bộ GD-ĐT đã gửi công văn yêu cầu hiệu trưởng các trường THPT phải chỉ đạo các tổ chuyên môn, giáo viên đảm nhiệm môn thi tốt nghiệp phải sớm triển khai kế hoạch, nội dung ôn tập, biên tập hệ thống câu hỏi, bài tập phù hợp để hướng dẫn, gợi ý trả lời cho học sinh.
Tuyển sinh và ôn thi lớp 10 PTTH 2013 được phát hành
Cùng với việc ôn tập bám sát trình tự của chương trình – sách giáo khoa, các nhà trường, thầy cô giáo cần chú ý tổ chức ôn tập cho học sinh theo từng chủ đề. Nội dung kiến thức mỗi chủ đề có thể là kiến thức, kỹ năng của các chương, các bài khác nhau, có thể là tổng hợp kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12…
Bên cạnh việc giúp học sinh hệ thống lại kiến thức, kỹ năng, các thầy cô giáo cần dành thời gian hướng dẫn học sinh biết cách phân tích đề thi, trình bày bài thi theo đặc thù từng môn thi, hình thức thi, cách phân bố thời gian hợp lý để giải quyết đề thi tương ứng với thời gian quy định cho mỗi môn thi. Đặc biệt, hướng dẫn các em học sinh trả lời câu hỏi trắc nghiệm để tránh bị trừ điểm do những lỗi kỹ thuật.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT khẳng định không giới hạn nội dung ôn tập. Nội dung đề thi tốt nghiệp THPT nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Vì vậy, tài liệu ôn tập tốt nhất, đầy đủ nhất chính là sách giáo khoa.
Học sinh lớp 12 gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013
Học sinh lớp 12 gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013
Các thầy cô giáo hướng dẫn học sinh trả lời câu hỏi của từng bài, từng chương để nắm kiến thức cơ bản, đồng thời hướng dẫn các em cách xâu chuỗi, tổng hợp kiến thức, cách vận dụng kiến thức để trả lời các câu hỏi. Vì đề thi có 50% điểm số dành cho những câu hỏi thông hiểu, vận dụng kiến thức. Các thầy cô giáo cũng chú ý chỉ dẫn học sinh lược bỏ những phần kiến thức đã được Bộ GD-ĐT giảm tải không đưa vào đề thi.
Bộ GD-ĐT cũng chỉ đạo các sở GD-ĐT kiểm tra các trường THPT hoàn thành chương trình lớp 12 THPT theo đúng kế hoạch, tuyệt đối không được cắt xén chương trình đã quy định.
Một vấn đề quan trọng không thể bỏ qua đối với mỗi học sinh trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT là học sinh cần nắm được quy chế thi và thực hiện đúng quy chế để tránh những điều sơ suất hoặc vi phạm trong khi thi, ảnh hưởng đến kết quả thi. Học sinh cần ôn tập kỹ, không dựa vào sự may rủi và tuyệt đối không được gian lận, tiêu cực trong thi, kiểm tra.
(BNLM)

Đề thi đại học 2013 có quá khó?

Kết quả thi ĐH ở nhiều môn quá thấp, điều này khiến điểm sàn nhiều năm qua chưa đạt mức trung bình. Nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân do độ khó của đề thi…

“Độ khó của đề thi ĐH dẫn đến điểm trung bình 3 môn thi của nhiều thí sinh (TS) thấp bất ngờ, vì vậy việc xác định điểm sàn là khó khăn” – tiến sĩ Nguyễn Kim Quang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), nhận định. Đại diện nhiều trường ĐH cho rằng thật khó lý giải khi sự chênh lệch giữa kết quả thi THPT và kết quả thi ĐH quá xa nhau, rất nhiều TS thi tốt nghiệp THPT đạt 7-8 điểm/môn nhưng thi ĐH chỉ 1-2 điểm/môn.
Phổ điểm quá thấp
Tại Trường ĐH Sài Gòn, trong số 143.023 TS dự thi ĐH năm 2012, có đến 1.075 bài thi đạt 0 điểm; 10.651 bài thi đạt 0-1 điểm, 25.637 bài thi đạt từ 0-2 điểm. Theo đó, có 218 TS đạt 4 điểm/3 môn, 2.129 TS đạt 6 điểm/3 môn và có đến 21.327 TS chỉ đạt 10 và dưới 10 điểm/3 môn. Trong đó, môn toán ở các khối có 340 TS đạt điểm 0; 6.814 TS đạt 0-1 điểm; 18.893 TS đạt 3 điểm trở xuống… Trong khi đó, số TS đạt điểm giỏi chỉ trên đầu ngón tay, cụ thể, có 6 TS đạt điểm 9; 2 TS đạt 8,75 điểm; 6 TS đạt 8,5 điểm môn toán.
Cũng môn thi toán, tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, theo thống kê có 211 TS đạt điểm 0, 3.805 TS đạt từ 0-1 điểm, có 15.115 TS dưới 4 điểm, trong khi chỉ có 4 điểm 9 và 36 TS đạt 8 điểm trở lên, 218 TS đạt 7 điểm trở lên. Tương tự ở môn lý, tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, trong số 14.966 TS dự thi khối A có đến 13.040 TS chỉ đạt dưới 5 điểm. Ở môn hóa, có đến 12.998 TS chỉ đạt 4,75 điểm trở xuống, trong khi chỉ có 2 TS đạt 8,5 điểm, 5 TS đạt 8 điểm và 8 TS đạt 7 điểm.
Giáo viên chấm bài thi trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 tại ĐH Sài Gòn - Ảnh: Tấn Thạnh
Giáo viên chấm bài thi trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 tại ĐH Sài Gòn - Ảnh: Tấn Thạnh
Ở khối C, lịch sử là môn thi có mức điểm thấp nhất. Tại Trường ĐH Sài Gòn, trong số 1.886 TS dự thi khối C, có đến 225 bài thi môn sử đạt 0-0,75 điểm; 688 bài đạt 2 điểm trở xuống và 1.625 TS đạt 4,75 điểm trở xuống. Như vậy, chỉ có 261 TS đạt 5 điểm trở lên và chỉ có 29 TS đạt 7 điểm trở lên ở môn lịch sử. Ở môn địa, kết quả cũng không mấy khả quan khi có đến 1.309 bài thi đạt 4,75 điểm trở xuống, chỉ có 74 TS đạt điểm 7 trở lên…
Tại sao thi ĐH nhiều TS lại đạt kết quả thấp như vậy? PGS-TS Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng đề thi khó chính là nguyên nhân dẫn đến kết quả thi thấp. “Chúng ta vẫn đang phải làm theo lối suy nghĩ cũ, coi thi ĐH là kỳ thi tuyển chọn những TS xuất sắc, giỏi để đào tạo ra người tài. Thực ra, xu thế hiện nay, đào tạo ĐH là đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội, các quy định chất lượng ĐH không phải chỉ ở thi đầu vào mà chủ yếu là quá trình đào tạo, do đó cần phải xem lại việc ra đề thi ĐH phù hợp với thực tế hơn” – ông Xê nhấn mạnh.
Áp lực thi cử, học thêm
Tiến sĩ Nguyễn Kim Quang cho rằng các trường hiện vẫn tuyển TS từ mức điểm cao xuống thấp, do đó, đề thi khó kéo theo kết quả thi thấp và điểm sàn thấp là điều không hay. “Việc ra đề thi cần được cân nhắc để có được phổ điểm hợp lý. Ngoài mục tiêu tuyển chọn học sinh khá giỏi, đề thi cần đáp ứng mục đích học sinh học lực trung bình cũng có kết quả không quá kém” – tiến sĩ Quang nói.
Một số chuyên gia cho rằng Bộ GD-ĐT chủ trương đề thi ĐH kiến thức chủ yếu nằm trong chương trình phổ thông, tuy nhiên thực tế là với mức khó của các đề thi trong những năm gần đây, nếu không học thêm thì học sinh rất khó đạt được điểm cao. PGS-TS Đỗ Văn Xê cho rằng đề thi quá khó khiến TS phải đi luyện thi, tạo áp lực rất lớn cho gia đình, xã hội và bản thân TS. Trong khi đó, ở bậc ĐH, những kiến thức TS vất vả ôn luyện để đạt điểm cao lại không sử dụng tới, rất lãng phí. Ngoài ra, đề thi khó khiến nhiều TS có tiềm năng nhưng không thể vào được ĐH…
ThS Phan Thiện Danh, Khoa Toán – Tin Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho rằng có nhiều ngành ví dụ như kinh tế chẳng hạn, kiến thức về lý, hóa không cần đến nhiều, do đó đề thi nên ra dựa theo kiến thức cơ bản, không nên quá chuyên biệt để nhiều TS có thể làm bài được và những kiến thức này là nền tảng cho các em bước vào ĐH. Ông Danh nêu ví dụ đề thi toán năm 2012 có sự phân loại học sinh khá tốt, tuy nhiên vẫn có vài câu khó, đánh đố TS, do đó rất khó đạt được điểm cao.
Tiến sĩ Nguyễn Kim Quang cho rằng cần có bộ phận đánh giá, kiểm định đề thi và việc xây dựng đề thi phải dựa trên cơ sở khoa học. Kỳ thi ĐH chỉ mới là một phần xác định năng lực học tập của TS ở cấp độ THPT để đủ kiến thức vào học ĐH. Do đó, đề thi nên đề cao năng lực tư duy của TS hơn là đánh đố… Ngoài ra, việc tuyển sinh trong tương lai cần xây dựng theo hướng đánh giá được năng lực của TS cả trong quá trình học tập từ bậc THPT.
(BXH)

Giáo viên dạy thêm sẽ bị thôi việc

Sáng 10/4, Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng chính thức triển khai quyết định “nói không với chuyện dạy thêm học thêm (DTHT) trong các trường công lập hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
“Theo đó, Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng cho biết, nếu cán bộ, giáo viên các trường phổ thông vi phạm quy định về DTHT lần thứ nhất sẽ bị kiểm điểm, khiển trách trong tập thể sư phạm nhà trường, không xem xét các danh hiệu thi đua trong năm học đó; lần thứ hai sẽ bị cảnh cáo trong toàn ngành và kéo thời gian nâng lương thêm 1 năm so với quy định; lần thứ ba sẽ điều chuyển công tác và xem xét cho thôi việc.
Một lớp dạy thêm học thêm (Ảnh minh họa)
Một lớp dạy thêm học thêm (Ảnh minh họa)
Giáo viên không dạy thêm đối với học sinh tiểu học và học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày tại trường. Các cá nhân không có bằng, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm không được mở lớp, không được tham gia giảng dạy tại các lớp DTHT.
Giáo viên hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập, giáo viên các trường phổ thông tư thục đều không được phép tổ chức hoặc tham gia tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường.
Học sinh của lớp chính khóa mà giáo viên đang giảng dạy tại trường không được tổ chức DTHT.
Việc dạy thêm học thêm tại các trường phổ thông do hiệu trưởng nhà trường phân công và quyết định. Giáo viên không được phép tự ý mở lớp dạy.

Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2013

Học sinh xé đề cương môn Sử khi biết không thi tốt nghiệp

Hàng trăm học sinh tập trung ra hành lang, hò hét và đồng loạt xé giấy thả xuống rơi trắng cả sân trường.
>> Bộ Giáo dục công bố 6 môn thi tốt nghiệp

Khi Bộ Giáo dục thông báo năm nay sẽ không thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử, nhiều học sinh đã hẹn hò trên mạng cùng đồng loạt xé đề cương môn này. Video quay trường THPT Nguyễn Hiền, quận 11, TP HCM, ngày 30/3.
* Video Xé đề cương môn Lịch sử khi biết không thi tốt nghiệp
Hàng trăm học sinh tập trung ra hành lang, đồng loạt xé đề cương và hò hét.
Đề cương trắng xóa cả sân trường.
KoS